Dược học
Kiến thức đại cương về các bài thuốc y học cổ truyền
Bài thuốc y học cổ truyền là sự kết hợp giữa nhiều vị thuốc khác nhau nhằm điều trị một bệnh hay một triệu chứng nhất định. Các phương thuốc được lưu truyền từ xưa hoặc được tạo ra nhờ kết quả thực tế lâm sàng.
Cách xây dựng và biến hóa một phương thuốc
Các bài thuốc được tổ chức theo 1 nguyên tắc nhất định nhưng được biến hoá bằng cách: thêm bớt các vị thuốc, thay đổi sự phối ngũ, thay đổi liều lượng và thay đổi dạng bào chế,… để thích hợp với tình hình thực tế của bệnh tật và yêu cầu của việc chữa bệnh trên lâm sàng. Các bài thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau, khi dùng thuốc sắc là dạng phổ biến và có tác dụng nhanh chóng nhất → cần nắm vững cách sắc thuốc, cách uống thuốc để đảm bảo kết quả chữa bệnh và an toàn khi dùng một số vị thuốc đặc biệt.
1. Nguyên tắc xây dựng một phương thuốc
- Bài thuốc có thể ít hay nhiều vị tuỳ theo tình hình thực tế của bệnh tật và yêu cầu việc chữa bệnh. - Một bài thuốc hoàn chỉnh được cấu tạo theo nguyên tắc: Quân - Thần - Tá - Sứ. Trong đó:
- Quân: là vị thuốc chính còn gọi là chủ dược, dùng để chữa nguyên nhân gây ra bệnh, triệu chứng chính của hội chứng bệnh, vị thuốc chính có thể có nhiều vị thuốc, thông thường từ 1 đến 2 vị.
- Thần: là vị thuốc hỗ trợ giúp cho vị thuốc chính tăng tắc dụng chữa bệnh.
- Tá: là vị thuốc chữa triệu chứng phụ của hội chứng bệnh, hạn chế tác dụng mãnh liệt hay độc tính hoặc làm tăng tác dụng của vị thuốc chính.
- Sứ: là vị thuốc đưa tác dụng của bài thuốc đến nơi có bệnh thuộc tạng phủ hay kinh lạc nào đó và có tác dụng điều hoà tính năng các vị thuốc trong bài thuốc.
2. Cách thay đổi một phương thuốc
- Biến hoá bài thuốc bằng cách tăng hay giảm các vị thuốc. - Biến hoá bài thuốc bằng cách thay đổi sự phối ngũ của các vị thuốc. - Biến hoá bài thuốc bằng cách thay đổi liều lượng của các vị thuốc trong bài thuốc. - Biến hoá bài thuốc bằng cách thay đổi dạng thuốc.
Các dạng của bài thuốc
Tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh trên lâm sàng, tính chất các vị thuốc và sự cấu tạo của bài thuốc, các bài thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau như:
- Thuốc sắc (thuốc thang)
Là 1 vị thuốc hay nhiều vị thuốc cấu tạo thành bài thuốc cho vào nước sắc, bỏ bã, lấy nước uống. Thuốc sắc là một dạng thuốc hay dùng, thích ứng với các loại bệnh tật nhất là bệnh cấp tính, được dùng để uống trong hay dùng ngoài. thuốc sắc hấp thụ nhanh, dễ phát huy tác dụng, dễ gia giảm phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng, nhưng dùng thuốc sắc mất thời gian nhất là đối với các bệnh cần dùng thuốc dài ngày.
- Thuốc tán
Là các vị thuốc của bài thuốc sao giòn, tán bột dùng uống trong hay dùng ngoài. Khi dùng uống trong thì hoà với nước sôi để nguội hoặc đem sắc với nước rồi uống bỏ cặn. Sử dụng đơn giản, dễ mang theo, tiết kiệm được thuốc, ít biến chất nhưng hấp thụ kém hơn thuốc sắc.
- Thuốc hoàn
Là các vị thuốc trong bài thuốc tán nhỏ, dùng mật, nước (nước thuốc, rượu, giấm, hồ gạo, …) bào chế thành hoàn (viên tròn). Thuốc hoàn hấp thu chậm, tác dụng chậm nhưng thể tích nhỏ, dễ đem theo, dễ sử dụng bảo quản, phù hợp với các bệnh mãn tính cần dùng thuốc bổ và thuốc duy trì kết quả chữa bệnh. Ngoài ra có 1 số bài thuốc cấp cứu (vd: an cung ngưu hoàng hoàn). Các bài thuốc có các vị độc mạnh cần dùng liều lượng ít, các bài thuốc có các vị thuốc dễ bị lửa, sức nóng phân tích mất tác dụng hoặc gây độc như chu sa thì cũng dùng ở dạng thuốc hoàn. Có các loại thuốc hoàn như: hoàn mật; hoàn nước; hoàn hồ; hoàn đậm đặc...
- Rượu thuốc:
Dùng rượu làm dung môi chiết xuất hoạt chất các vị thuốc. Dùng uống trong hay dùng ngoài.
- Viên dẹt:
Các vị thuốc, bài thuốc được nấu thành cao, làm thành cốm rồi dập viên theo phương pháp công nghiệp. Lượng chuẩn xác, thể tích nhỏ, dễ uống: nếu uống đắng, khó uống có thể bọc đường; thuốc kích thích niêm mạc dạ dày, khó uống có thể dùng viên bọc kẹo.
- Thuốc cao:
Thuốc cao gồm 2 loại: loại uống trong (cao lỏng). loại dùng ngoài (cao mềm, cao cứng, cao dán). Việc thay đổi một bài thuốc y học cổ truyền không phải là điều đơn giản, chính vì vậy bạn cần có sự hiểu biết chuyên sâu về tác dụng, tính chất của mỗi loại thuốc và sự thay đổi khi chúng được sử dụng kết hợp với nhau.
Danh mục: Các bài thuốc y học dân tộc Người gửi: