Y học
Vai trò của thực phẩm đối với người mắc bệnh da liễu
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là những người mắc bệnh da liễu. Cùng tìm hiểu các chất dinh dưỡng cơ bản cần cho cơ thể và chế độ ăn ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?Có nhiều bệnh da xuất hiện khi thiếu một số khoáng chất và sinh tố mà khẩu phần ăn hằng ngày không cung cấp đủ. Bổ sung các loại vitamin thiếu hụt bằng chế độ ăn và uống thêm vitamin tổng hợp là rất cần thiết vì chế độ dinh dưỡng và sinh tố có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh da. Chế độ ăn đầy đủ các chất cần thiết sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật cũng như tăng hiệu quả điều trị. Nhiệm vụ của người thầy thuốc phải nắm vững chế độ ăn, các chất cần bổ sung cho mỗi nhóm bệnh để hướng dẫn cho người bệnh.
Các chất dinh dưỡng cơ bản cần thiết cho cơ thể
- Protein: Protein có vai trò trong sự thành lập các kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu protein, cơ thể sẽ giảm sức đề kháng, rối loạn thần kinh và rối loạn các chức năng nội tạng. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại hải sản như nghêu sò ốc hến, đậu nành, phomat…
- Glucid và lipid: Nếu thiếu 2 chất này sẽ làm cơ thể giảm sự tổng hợp globulin là các chất tham gia vào sự thành lập các kháng thể bảo vệ cơ thể, làm tăng hiện tượng viêm của các mô và làm tăng sự mẫn cảm da. Glucid có nhiều trong gạo, các loại ngũ cốc… Lipid có nhiều trong trứng, sữa, thịt, bơ và các chất béo khác.
- Nước muối khoáng và các chất vi lượng khác: Có vai trò rất lớn góp phần vào sự tổng hợp các nội tiết tố, enzym và kháng thể cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Vai trò của chế độ ăn với người mắc bệnh ngoài da
Dinh dưỡng thích hợp có vai trò quan trọng trong việc tạo hiệu quả điều trị một số bệnh ngoài da, vì bệnh có thể bộc phát hoặc nặng thêm nếu chế độ ăn không phù hợp, do đó tùy theo nhóm bệnh mà khuyên bệnh nhân nên có chế độ ăn cần thiết cho từng bệnh hay nhóm bệnh.
- Nhóm bệnh dị ứng: bao gồm nhiều bệnh như: viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mày đay, sẩn ngứa… Chế độ ăn cần thực hiện như: giảm đường và muối trong giai đoạn cấp, vì đường huyết cao có thể gây hiện tượng quá mẫn cho cơ thể và lượng muối cao gây kích thích thần kinh ngoại biên làm bệnh nhân tăng các cảm giác ngứa, đau; Giảm các thức ăn gia vị như ớt, tiêu, rượu, trà, cà phê, thuốc lá; Giảm uống nước nếu vết thương rỉ dịch nhiều và nếu sự rỉ dịch ở tổn thương không ảnh hưởng đến huyết áp; Kiêng ăn các loại tôm, cua, cá biển, đồ hộp, trứng sữa và các thức ăn lên men; Nên ăn thức ăn có nhiều sinh tố A, B, C, trái cây, rau, củ, quả; Nếu là trẻ em cần chế độ ăn phù hợp cho từng lứa tuổi và giảm các chất đường, sữa, trứng.
- Nhóm bệnh nhiễm khuẩn da: bao gồm chốc, nhọt, viêm da mủ… Giảm đường trong chế độ ăn hằng ngày, dùng nhiều rau xanh để cung cấp vitamin và các chất xơ chống táo bón. Bổ sung thêm các vitamin nhóm A, B, C, giúp cơ thể chuyển hóa đường, tăng khả năng chống độc cho gan và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Nhóm bệnh da khác như bệnh vảy nến, trứng cá, các bệnh đỏ da bong vảy: Giảm thức ăn có nhiều đường và nhiều chất béo, tránh dùng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê, thức ăn nhiều gia vị. Ăn nhiều rau, củ, quả để tránh táo bón. Bổ sung các nhóm vitamin A, B, C.
- Nhóm bệnh gây mất huyết tương như dị ứng thuốc, bệnh bọng nước như pemphigut, thủy đậu, Durhing Brocque: Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhạt giảm muối và giảm dùng các chất kích thích.
- Nhóm bệnh da do thiếu sinh tố, ví dụ bệnh viêm da đầu chi ở trẻ em: Cần bổ sung sinh tố và khoáng chất trong chế độ ăn hằng ngày, thức ăn có nhiều kẽm như sò, đậu nành, đậu Hà Lan, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt cừu, thịt lợn.
Chế độ dinh dưỡng với các món ăn lành mạnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe và diễn biến các căn bệnh ngoài da sẽ góp phần giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi. Người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để có được lời khuyên về các loại thực phẩm và chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
Danh mục: Thức ăn chữa bệnh Người gửi:
Bài viết khác